Lễ hội văn hóa rộn ràng du học sinh Việt tại Đài Loan

Đăng bởi: Tuấn Vũ - 10/05/2014

Những chương trình, tiết mục văn nghệ được các bạn du học sinh Việt Nam tại Đài Loan chuẩn bị một cách công phu để giới thiệu văn hóa Việt đến bạn bè quốc tế.

Đã trở thành truyền thống trong suốt 6 năm qua, lễ hội Văn hóa Việt Nam vừa được tổ chức bởi Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Khoa Học & Kỹ Thuật Đài Loan (VSA-NTUST) thu hút rất đông sinh viên tham gia.

Lễ hội gồm ba hoạt động chính gồm trưng bày triển lãm, giới thiệu văn hóa ẩm thực và biểu diễn văn nghệ.

Lễ hội văn hóa rộn ràng du học sinh Việt tại Đài Loan

Mô hình Khuê Văc Các tại Lễ hội triển lãm

Tiếp nối thành công của chương trình “Việt Nam gấm hoa (2011), Việt Nam trong mắt bạn bè (2012), Tinh thần Việt (2013), chương trình “Việt Nam nghìn năm văn hiến” năm nay không chỉ có sức hút lớn mà còn có những đột phá mới mẻ. 

Với các chủ đề khác nhau, lễ hội ngày càng đông đảo sự quan tâm của các sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế đang học tập tại Đài Loan cũng như người dân bản địa. 

Đây không chỉ là cơ hội cho các bạn đồng hương Việt Nam gặp gỡ, chia sẻ cuộc sống nơi đất khách, mà còn là cơ hội giới thiệu văn hóa Việt Nam, đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè khắp năm châu. 

Mô hình biểu tượng của đất nước nghìn năm văn hiến- Khuê Văn Các đã làm ngỡ ngàng không ít khách thăm quan. Không chỉ tái hiện chân thật hình tượng Khuê Văn Các, công trình này còn làm người ta có cảm giác như được đặt chân tới Thủ đô Hà Nội, viếng thăm Văn Miếu – trường đại học đầu tiên của Việt Nam. 

Lễ hội văn hóa rộn ràng du học sinh Việt tại Đài Loan

 Du khách thăm quan Việt Nam qua sa bàn 3D

Bên cạnh Khuê Văn Các, tấm sa bàn Việt Nam 3D do các bạn sinh viên VSA-NTUST kỳ công tạo dựng cũng là điểm nhấn nổi bật của buổi triển lãm.

Từ tấm sa bàn đặc biệt với đầy đủ chi tiết sông ngòi núi non và các điểm mốc địa lý quan trọng này, các bạn sinh viên đã đưa du khách đi thăm quan một vòng chữ S, làm quen với đất nước thon thả mà trù phú “rừng vàng biển bạc”. 

Đến với chương trình triển lãm, du khách còn được mặc thử rất nhiều kiểu trang phục truyền thống và chụp ảnh lưu niệm tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. 

Lễ hội văn hóa rộn ràng du học sinh Việt tại Đài Loan

Những tiết mục văn nghệ được chuẩn bị công phu 

Hình ảnh bạn bè quốc tế duyên dáng áo dài, xúng xính áo the khăn xếp, thẹn thùng nón quai thao áo bà ba đã làm không gian triển lãm thêm ấn tượng và rộn ràng màu sắc. 

Bên cạnh đó, một không gian đậm chất Việt với tranh Đông Hồ, đồ mây tre đen, đồ gốm sứ, tác phẩm điêu khắc, nhạc cụ dân tộc… cùng góc trò chơi dân gian đã được tái hiện sinh động. 

Tách cà phê phin, món bánh tét, bánh mỳ Pa-tê…do các bạn tự tay chuẩn bị cũng để lại hương vị khó quên trong lòng du khách bởi sự thơm ngon và cả tình nồng nhiệt, hiếu khách của con người Việt Nam. 

Lễ hội văn hóa rộn ràng du học sinh Việt tại Đài Loan

Bạn Trần Nghi Huy, một sinh viên Đài Loan cho biết: “Mỗi năm tôi đều tới tham gia lễ hội văn hóa Việt Nam. Thật thú vị! Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi cơ hội hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Tôi có rất nhiều bạn bè người Việt tại trường và tôi hy vọng sẽ được tới thăm đất nước của các bạn một lần.”

Bên cạnh hoạt động trưng bày triển lãm văn hóa, tối ngày 7/5, điểm nóng của sự kiện – đêm diễn văn nghệ đã được mở màn trong giai điệu tha thiết của bài hát “Tình Ca”. 

Qua sáng tác của nhạc sỹ Phạm Duy, các du học sinh như muốn gửi gắm tình yêu bao la của mỗi người con Việt Nam với quê hương, đất nước. 

Là tình yêu với tiếng mẹ đẻ, là sự gắn bó với từng hạt lúa, cây đa, giếng nước mái đình, là niềm hãnh diện khi non sông chung một dải, là tình người chân chất ấm nồng, là lòng tự hào với lịch sử oai hùng cùng bề dày văn hóa bốn nghìn năm…

Và cũng chính bởi tình yêu, sự gắn bó máu thịt với làng nước quê hương, mà bao lớp cha anh đã hy sinh thân mình cho cõi bờ non nước. 

Lễ hội văn hóa rộn ràng du học sinh Việt tại Đài Loan

Hoạt cảnh “Hòn Vọng Phu”, “Dạ cổ hoài lang”, “Võ Đông Sơ-Bạch Thu Hà” 

Và nơi hậu phương, cũng không kể xiết những mẹ Việt Nam anh hùng mòn mỏi ngóng con, những người vợ “hóa đá chờ chồng”. 

Chuỗi hoạt cảnh những ca khúc bất hủ được dàn dựng công phu không chỉ cho khán giả cơ hội tận hưởng những giai điệu truyền thống của ca nhạc dân tộc, mà hơn thế nữa, đã để lại xúc cảm sâu đậm trong lòng khán giả, đặc biệt với những người con đất Việt bởi hàm nghĩa ẩn chứa bên trong đó.

Khép lại chuỗi ngày vó ngựa rền vang, tiết mục múa “Trống Cơm”, “Khúc Dân Chài” đưa khán giả đến với một Việt Nam hòa bình ấm no, với những người dân vui say lao động. 

Lễ hội văn hóa rộn ràng du học sinh Việt tại Đài Loan

Thắm chặt tình đoàn kết 

Ca khúc “I say God” do các bạn Indonesia trình bày cùng màn múa nón “Thương Quá Việt Nam” đã khép lại chương trình với thông điệp Việt Nam đang tràn đầy sức trẻ và nhiệt huyết để chung nhịp bước với bạn bè quốc tế. 

“Chìa khóa để tổ chức thành công lễ hội văn hóa hàng năm chính là sự đoàn kết. Niềm tự hào dân tộc, khát khao được quảng bá văn hóa Việt Nam đã kéo mọi người xích lại với nhau. “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời”, là tình yêu chung, là động lực để anh chị em chung tay tổ chức sự kiện thường niên này” – bạn Vũ Đức Tân, hội trưởng VSA-NTUST chia sẻ. 

 

 

Đánh giá bài viết post

Nhập bình luận của bạn

Bài viết cùng chuyên mục