Một số đổi mới trong công tác đào tạo thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản

Đăng bởi: Tuấn Vũ - 25/04/2013

Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản được thực hiện từ năm 2006 theo Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là IM Japan). Hiện nay, IM Japan đang tiếp nhận thực tập sinh 3 nước là Inđônesia, Thái Lan và Việt Nam.

          một số đổi mới trong công tác đào tạo thực tập sinh làm việc tại nhật bản

Từ khi thực hiện chương trình đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với IM Japan tổ chức tuyển chọn, đào tạo và phái cử hơn 1.100 thực tập sinh sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản. Đây là chương trình phi lợi nhuận, vì vậy thu hút sự quan tâm của nhiều người lao động. Thực tập sinh Việt Nam sau khi sang Nhật Bản làm việc chủ yếu trong 2 lĩnh vực là: sản xuất chế tạo và xây dựng; được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về tính cần cù, chăm chỉ, khéo léo và tiếp thu tay nghề nhanh.

       Trước khi sang thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, các ứng viên tham gia chương trình sau khi đạt yêu cầu trong kỳ thi tuyển chọn (với các nội dung: trình độ tiếng Nhật, kiến thức toán, kiểm tra thể lực và phỏng vấn) sẽ được tập trung đào tạo trước phái cử với thời gian 4 tháng (nay là 6 tháng) tại Cơ sở của Trung tâm Lao động ngoài nước. Trong quá trình học tập, ngoài đào tạo tiếng Nhật là chủ yếu, theo quy định tại Quyết định số 18/QĐ/2007-QĐ-BLĐTBXH ngày 18/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc Ban hành chương trình Bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài thì các ứng viên thực tập sinh được trang bị một số nội dung cơ bản bao gồm: Pháp luật Việt Nam và Pháp luật Nhật Bản; Văn hóa Nhật Bản; An toàn lao động…Trong thời gian này, học viên phải tuân thủ các quy định của Trung tâm về việc thực hiện các nội dung liên quan đến sinh hoạt, học tập, rèn luyện tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật và rèn luyện thể lực. Tất cả các nội dung trên nhằm trang bị cho họ có đầy đủ hành trang để nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với môi trường sinh hoạt và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, đáp ứng được yêu cầu của công ty tiếp nhận Nhật Bản.

           Với mục tiêu nâng cao chất lượng thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, từ quý 4/2012, việc đào tạo tiếng Nhật và chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết có một số đổi mới căn bản. Theo đó, thời gian đào tạo tiếng Nhật tại Cơ sở đào tạo trước đây là 4 tháng (gọi là đào tạo trước phái cử), nay được kéo dài thêm thành 6 tháng (gồm 2 tháng đào tạo dự bị và 4 tháng đào tạo trước phái cử), nội dung chương trình đào tạo tiếng Nhật được bổ sung nhằm bảo đảm 100% học viên đạt trình độ tiếng Nhật cấp 4 trở lên, hướng tới đạt trình độ cấp 3. Chương trình nội dung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và phương pháp giảng dạy cho các học viên cũng được hoàn thiện, bổ sung phong phú hơn. Cán bộ của Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với cán bộ của Văn phòng IM Japan tại Việt Nam tham gia giảng dạy các nội dung sau:

           – Pháp luật Việt Nam và Pháp luật Nhật Bản: cung cấp cho các học viên những kiến thức cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ của thực tập sinh khi tham gia chương trình; luật nhập cảnh, luật lao động; mức lương tối thiểu; bảo hiểm tai nạn lao động; bảo hiểm công cộng và thuế…

        – Văn hóa Nhật Bản: thông qua sách hướng dẫn sinh hoạt được viết bằng song ngữ Việt – Nhật và băng DVD với những hình ảnh trực quan sinh động về vị trí địa lý, khí hậu, ẩm thực, tình hình giao thông, cách sử dụng tài khoản ngân hàng, thông tin liên lạc, cách sử dụng các dịch vụ công cộng, hoạt động thể thao, sinh hoạt hàng ngày và tác phong làm việc của người Nhật… giúp cho học viên dễ dàng hình dung cuộc sống của mình trong 3 năm thực tập kỹ thuật, qua đó yêu cầu học viên trước khi phái cử phải rèn luyện ý thức, tác phong, cách ứng xử phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa Nhật Bản.

        – An toàn, vệ sinh lao động: cung cấp những kiến thức cơ bản về vệ sinh, an toàn lao động trong các ngành nghề, tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực là: sản xuất chế tạo và xây dựng. Đồng thời kết hợp với việc giảng dạy tiếng Nhật, thông qua các biển báo an toàn lao động không chỉ nâng cao khả năng tiếp thu tiếng Nhật của học viên (nhanh hơn, nhớ lâu hơn) mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tại nơi làm việc sau này khi các học viên sang thực tập kỹ thuật tại các công ty tiếp nhận Nhật Bản. Trong thời gian gần đây, thực tập sinh Việt Nam được các công ty tiếp nhận Nhật Bản đánh giá cao về việc chấp hành các biển báo và những quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

     Việc đánh giá kết quả đào tạo cuối khóa đối với các học cũng có nhiều đổi mới theo hướng yêu cầu ngày càng cao nhằm nâng cao chất lượng thực tập sinh.

      Với những đổi mới quan trọng này, Trung tâm Lao động ngoài nước tin tưởng rằng các công ty tiếp nhận Nhật Bản sẽ đánh giá cao thực tập sinh Việt Nam, góp phần gia tăng số lượng thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong những năm tới./

Nguồn: Molisa.gov.vn

Đánh giá bài viết post

Nhập bình luận của bạn

Bài viết cùng chuyên mục