Năm 2018 chương trình XKLĐ sẽ có thêm nhiều thị trường mới
Trung bình mỗi năm cả nước ta có trên 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Xuất khẩu lao động được cho là cơ hội việc làm thu nhập cao thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là đối với các thị trường như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp để đánh giá về các cơ hội đi làm việc nước ngoài cho người lao động (NLĐ) trong năm 2018.
Thưa ông, năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp xuất khẩu lao động lập kỷ lục về số lượng NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, xin ông cho biết kết quả của công tác xuất khẩu lao động trong năm vừa qua?
– Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Theo số liệu thống kê, năm 2017 cả nước có 134.751 lao động sang làm việc ở nước ngoài (trong đó 53.340 lao động nữ; chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm và tăng 6,7% so với tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm trước đó. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm.
Đặc biệt, số liệu thống kê cho thấy năm 2017 thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động (24.502 lao động nữ). Tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản đã lên tới hơn 100.000 người và Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh phái cử nhiều nhất trong số 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
Đài Loan vẫn tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 66.926 lao động (23.530 lao động nữ). Đây là năm thứ hai liên tiếp số lượng lao động đưa đi Đài Loan đạt trên 60.000 người (chiếm gần 50% tổng số lao động Việt Nam được đưa đi làm việc tại các thị trường trong năm nay). Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tăng đều trong các năm gần đây.
Trong năm 2017, nhiều bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác lao động cũng được ký kết, mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm với lao động Việt Nam như: Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về chương trình thực tập kỹ năng với Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế-Lao động-Phúc lợi xã hội Nhật Bản; Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động với Bộ Lao động và Đào tạo nghề Vương quốc Campuchia; Bản ghi nhớ hợp tác chương trình đưa thực tập sinh đi Nhật Bản với Tổ chức thực tập kỹ năng (OTIT)…
Trong những năm gần dây, xuất khẩu lao động tăng nhanh và liên tục xác lập kỷ lục mới, vậy ông nhận xét về nào về các thị trường và chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài?
Năm 2017, một số thị trường xuất khẩu lao động chính của ta tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam cao như thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, riêng thị trường Nhật Bản nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề.
Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà ta có khả năng đáp ứng tốt và có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao… tạo ra nhiều cơ hội làm việc hơn nữa cho người lao động Việt Nam khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc giữ vững, phát triển thị trường truyền thống và mở rộng, phát triển thị trường lao động ngoài nước mới.
Nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản trong công tác tạo nguồn và đào tạo lao động về tay nghề và ngoại ngữ trước khi xuất cảnh, cũng như tác phong, kỷ luật lao động và ý thức chấp hành kỷ luật khi làm việc ở nước ngoài, điển hình là công tác đưa lao động sang thực tập kỹ năng, hộ lý và điều dưỡng tại Nhật Bản. Các DN cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động.
Bên cạnh những DN làm tốt vẫn còn nhiều DN làm ăn chộp giật, chưa chú trọng bảo vệ quyền lợi của NLĐ, vậy việc thanh tra các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã được Bộ LĐ-TB-XH thực hiện như thế nào thưa ông?
– Công tác thanh tra kiểm tra cũng được đẩy mạnh, năm 2017, Bộ tiến hành 44 cuộc thanh, kiểm tra tại các DN về hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Cục cũng đã tiếp nhận 240 đơn khiếu nại, tố cáo, đã trực tiếp, phối hợp và chuyển các cơ quan chức năng, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài giải quyết theo thẩm quyền.
Thưa ông, xin ông cho biết về việc duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường xuất khẩu lao động mới trong năm nay?
Năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến đàm phán để tiến tới ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với: Israel, Kuwait, Romania và Bulgaria.
Chúng tôi đang nghiên cứu đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường đi đôi với chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn lao động tại các thị trường khu vực Trung Đông-Châu Phi. Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường quản lý việc đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Saudi Arabia. Đối với thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất là Đài Loan, năm 2018 sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình tuyển mộ trực tiếp thực chất và hiệu quả.
Năm 2018 cũng là năm Bộ LĐ-TB0-XH triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về Chương trình thực tập sinh kỹ năng đã ký kết năm 2017 với Nhật bản; Hướng dẫn DN thực hiện đúng theo Luật “bảo hộ thực tập sinh và triển khai chương trình thực tập sinh kỹ năng người nước ngoài đúng quy định” của Nhật Bản và các quy định của Việt Nam.Bên cạnh đó, Hiệp định hợp tác lao động với Lào, Nga cũng sẽ tiếp tục được thực hiện.
Theo: Báo NLĐ
Nhập bình luận của bạn