Hãy thử những món này khi bạn đến Đài Loan
Đài Loan có thể nói là “thiên đường ẩm thực”. Dù cách nhau gần 3 tiếng đồng hồ đi máy bay nhưng hễ “đói” bụng chúng ta đều ao ước được đến đây và thưởng thức những món ăn tuyệt vời.
Từ bình dân đến văn phòng
Nói chuyện ăn uống thì nguồn gốc cơ bản của ẩm thực Đài Loan vẫn là các món Trung Hoa truyền thống, tổng hợp từ thổ dân Đài Loan, đến Phúc Kiến, Hẹ và các vùng phía nam Trung Quốc. Đặc biệt từ lối sống cho đến ăn uống cũng nhận sự ảnh hưởng rất lớn từ Nhật Bản qua hơn 50 năm dưới thời Nhật trị.
Chẳng hạn bữa cơm Đài Loan vẻ như rất chú trọng đến tính cân bằng giữa mùi vị, rau quả và thịt thà. Không quá nhiều dầu mỡ như các món ăn ở Trung Quốc, cũng không quá đậm đà gia vị chiên xào như Hồng Kông, các món cơm canh, xào, mặn của dân xứ đảo này ngon mặn mà nhưng vẫn “tươi” và phảng phất chút tinh tế của Nhật.
Ở các quán cơm trưa “văn phòng” của Đài Loan ngoài chuyện rất truyền thống, sạch sẽ, thì đa phần quán nào cũng bán hơn hai mươi món ăn, để sẵn trên những đĩa nhỏ, khách vào chọn xong sẽ bưng qua quầy tính tiền trước khi ăn, một hệ thống bán cơm trưa nhanh, gọn, lẹ và văn minh.
Nếu không muốn ăn cơm bình dân, giới văn phòng sẽ chọn những quán cà phê có bán luôn thức ăn trưa như mì bò, cơm bento Nhật nhưng được làm theo khẩu vị Đài Loan.
Các cửa hàng tiện ích 24/24 Seven Eleven, Family Mart hoặc Hi-Life đều có sẵn thức ăn đóng gói từ 30.000 – 50.000 đồng tiền Việt rất tiện lợi và ngon. Một số bạn bè tôi sang Đài Loan công tác hay du lịch đôi khi xem Seven Eleven hoặc các cửa hàng tiện ích bán suốt đêm này là giải pháp an toàn cho chuyện nếu không biết đi đâu ăn gì cho qua bữa.
Thậm chí “ở Đài Loan không bao giờ sợ bị đói hoặc phải ăn đồ dở, trừ khi bạn không chịu nghiên cứu hoặc đến Seven Eleven”, một đồng nghiệp tôi đùa.
Ở Đài Bắc dễ dàng tìm thấy các cửa hàng, quán ăn theo chủ đề của những nhân vật được yêu thích như Hello Kitty (chú mèo hoạt hình), Rilakkuma (chú gấu trong truyện tranh Nhật Bản) hoặc thậm chí quán ăn có chủ đề về “toilet” – nhà vệ sinh cũng được dân Đài Loan yêu thích.
Ví dụ như tiệm Rilakkuma lúc nào cũng đông, ngạc nhiên hơn nữa khách đa phần là người đã trưởng thành, thích thú chụp ảnh với các chú gấu Rilakkuma được bài trí khắp tiệm, gọi món ăn được làm thành hình chú gấu với mức giá tầm 150.000 – 200.000 đồng tiền Việt. Những tiệm nhân vật truyện tranh Nhật Bản dạng này, vào cuối tuần là điểm đến của các bậc phụ huynh và con cái nên hầu hết phải đặt hẹn trước nếu không muốn đứng chờ cho tới khi có bàn trống.
Danh mục không thể bỏ qua
Thật ra với số đông người Việt, đặc biệt là giới trẻ thì trà sữa là thức uống đặc trưng của Đài Loan. Ở TP.HCM tràn ngập các thương hiệu trà sữa Đài Loan gây nên cơn sốt cho giới trẻ, thậm chí selfie (chụp ảnh tự sướng) với một ly trà sữa Đài Loan còn là mốt sành điệu của teen Việt trên Facebook.
Vậy thì nên mừng nếu đến tận Đài Loan tìm trà sữa, bởi trà sữa Đài Loan ở Đài Loan rẻ chừng bằng một nửa giá so với ở VN và tất nhiên ngon hơn vì Đài Loan là cái nôi của món “gây nghiện” này.
Chun Shui Tang (Xuân Thủy Đường) ở ngay chợ đêm Sỹ Lâm (Đài Bắc) là tiệm đầu tiên bán trà sữa lạnh sau khi chủ tiệm thấy người Nhật bán cà phê lạnh. Vị trà sữa trân châu của tiệm này vẫn còn giữ nguyên thủy so với các tiệm bán trà sữa khác pha trộn rất nhiều hương liệu vào ly trà. Ở xứ này, mọi người xem trà, trà sữa là thức uống giải khát bất kể mùa hè hay đông.
Buổi trưa ngày làm việc bạn sẽ thấy rất nhiều dân văn phòng đứng xếp hàng mua trà sữa sau bữa ăn trưa trong khi ở VN khi nói đến trà sữa mọi người nghĩ ngay đến tuổi teen hoặc cho rằng lớn rồi uống kỳ quá!
Sau trà sữa thì mì bò là món mà bất kỳ du khách nào cũng muốn nếm thử và cũng rất dễ tìm, phổ biến như ra phố tìm quán phở ở ta.
Tiệm mì bò Yong Kang có lịch sử lâu đời từ năm 1963, gần nhà ga MRT Dongmen của Đài Bắc nên lúc nào cũng nườm nượp khách du lịch đến ăn. Tô mì bò Đài Loan tuy màu sắc hao hao tô mì bò kho ở VN, nhưng nếu bò kho Việt nấu với hồi, quế thì nước dùng mì bò Đài Loan được nấu với rất nhiều gia vị như gừng, tỏi ớt, cà chua, rượu gạo, dấm đen, nước tương, tiêu Tứ Xuyên… sợi mì bò Đài Loan to như sợi mì udon của Nhật. Thậm chí ngoài bánh thơm quốc hồn quốc túy của Đài Loan thì mì bò cũng được đóng hộp ăn liền bán tại sân bay để du khách có thể mua về ăn hoặc làm quà.
Sau hai món ăn, uống đặc trưng Đài Loan thì chuyện ăn uống xứ này phải kể đến dimsum ở Din Tai Fung ngay tại ga MRT Dongmen cũng là nơi thu hút du khách. Tiệm mở năm 1958, là một trong những chuỗi nhà hàng dimsum thành công nhất thế giới, thường nếu không đặt chỗ trước, khách qua đường ngẫu hứng ghé vào phải xếp hàng dài chờ có khi đến 40 phút mới có cơ hội ngồi được vào bàn.
Ăn xong dimsum nếu vẫn còn bụng chỉ cần đi bộ vài bước là đến quán Ice Monster bán đá bào trái cây nổi tiếng, có từ năm 1997. Món đá bào của Ice Monster có năm đã được Đài Loan chọn làm món ăn tiêu biểu cùng với mì bò, in thành những bức hình lớn dán khắp các nhà ga MRT.
Thiên đường ăn vặt
Rồi lúc những hàng quán đóng cửa khi đêm đã khuya, thì chợ đêm là thiên đường của “street food” (thức ăn vặt đường phố). Có hơn chục chợ đêm, hoạt động hằng đêm ở khắp Đài Bắc, các vùng khác cũng nhiều không kém. Từ xúc xích Đài Loan nổi tiếng, trà sữa, trà chanh các loại, mì hàu, gà rán, kể cả bánh kẹp có hình dạng linga được bày bán vô cùng bắt mắt đến các món teppanyaki Nhật Bản hoặc đậu hũ thúi đều có thể tìm thấy ở chợ đêm.
Chợ đêm Đài Loan hầu như được quy hoạch từ những con đường ngắn, được độc quyền làm chợ đêm với hai dãy shop bên đường và các quầy bán hàng lưu động giữa đường. Đối với dân bản xứ, chợ đêm là nơi để ăn uống thư giãn nếu phải làm việc quá muộn và hàng quán đã đóng cửa.
Đối với khách du lịch, chợ đêm là nơi nhiều luồng văn hóa sẽ được tìm thấy vì ngoài khách du lịch khắp nơi trên thế giới, các bạn trẻ Đài Loan cũng rất thích hẹn hò ở đây cho đến tận nửa đêm, khi chợ bắt đầu đóng cửa. Raohe và Shilin (Sỹ Lâm) là hai chợ đêm nổi tiếng ở Đài Bắc, là điểm du lịch không bao giờ thiếu trong các tour đến thành phố này.
Nguồn: Báo thanh niên
Nhập bình luận của bạn